Cấu trúc câu trong tiếng Anh đầy đủ và chi tiết nhất

Cấu trúc câu (Sentence tructure) là kiến thức cơ bản nhất cần phải nắm khi bắt đầu học tiếng Anh trước khi bắt đầu học các kỹ năng khác như nghe, nói, đọc, viết. Vì nếu bạn nắm rõ cấu trúc câu thì có thể hiểu được thông điệp mà người nói hoặc văn bản muốn truyền tải.

Để giúp bạn nắm được kiến thức này, bài viết sẽ lưu ý khái niệm cấu trúc câu trong tiếng Anh, những thành phần chính trong cấu trúc câu, các cấu trúc câu cơ bản và thông dụng trong tiếng Anh. Cuối cùng, các bài tập được DOL Grammar biên soạn sẽ giúp bạn củng cố lại kiến thức trong bài. Hãy cùng bắt đầu bài học ngay nhé!

cấu trúc câu trong tiếng anh
Cấu trúc câu trong tiếng Anh đầy đủ và chi tiết

Cấu trúc câu tiếng Anh là gì?

Cấu trúc câu trong tiếng Anh (sentence structure) là sự kết hợp của các thành phần cơ bản để tạo nên một câu hoàn chỉnh với các chức năng khác nhau.

Thông thường, một câu tiếng Anh có thể gồm chủ ngữ, động từ, tân ngữ, trạng từ, tính từ, giới từ, liên từ... hay rất nhiều thành phần khác. Tuỳ thuộc vào loại câu khác nhau mà cấu trúc câu sẽ sở hữu các thành phần khác nhau.

Để nắm rõ hơn các thành phần hiện diện trong một câu, hãy đến với những nội dung tiếp theo của bài viết.

Những thành phần chính của cấu trúc câu trong tiếng Anh 

“Câu” được cấu thành từ các thành phần cơ bản như chủ ngữ, vị ngữ, động từ và các thành phần bổ nghĩa khác. DOL sẽ tổng hợp các thành phần cấu thành nên một câu, chức năng và đưa kèm ví dụ cụ thể trong bảng bên dưới.

Thành phần chính của cấu trúc câu tiếng Anh

Loại từ

Ý nghĩa

Ví dụ

Các thành phần chính

Chủ ngữ - Subject (S)

Chủ ngữ là danh từ chính trong câu, là đối tượng thực hiện một hành động, hoặc một đối tượng bị tác động bởi hành động trong câu.

he (anh ấy), she (cô ấy), I (tôi), John, the house (căn nhà), the cat (con mèo)

Tân ngữ - Object (O)

Tân ngữ là các danh từ phụ trong câu, là đối tượng chịu sự tác động của hành động do chủ ngữ gây ra.

him (anh ấy), her (cô ấy), someone (ai đó), the computer (máy tính)

Động từ - Verb (V)

Động từ là các từ chỉ quá trình, trạng thái hoặc sự tồn tại của một người, vật, hoặc sự vật. 

live (sống), laugh (cười), love (yêu), lie (nói dối), run (chạy), become (trở thành cái gì đó)

Các thành phần bổ ngữ

Tính từ - Adjective (Adj)

Thành phần bổ sung ý nghĩa cho danh từ.

happy (hạnh phúc), sad (buồn), funny (vui nhộn), good (tốt), bad (xấu)

Trạng từ - Adverb (Adv)

Thành phần bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ, và trạng từ khác.

really (thực sự), detrimentally (có hại), greatly (rất lớn), funnily (một cách hài hước)

Cụm trạng từ - Adverbial Phrase

Các cụm có chức năng bổ sung thêm ý nghĩa cho câu.

at night (vào buổi tối), with him (với anh ấy), under the table (dưới bàn), after the storm (sau cơn bão)

7 cấu trúc câu cơ bản trong tiếng Anh 

Thông thường, mỗi khi nhắc tới cấu trúc câu chúng ta thường nhớ tới các cấu trúc quen thuộc như câu tường thuật, câu bị động, câu chủ động, câu điều kiện,... Tuy nhiên tất cả đều chưa đủ hoặc chưa chính xác. Cụ thể hơn, cấu trúc câu trong tiếng Anh được chia làm 7 cấu trúc cơ bản sau.

1. Câu khẳng định

Câu khẳng định là loại câu được sử dụng để diễn đạt một tuyên bố, một thông tin nào đó, hoặc thông báo về một sự kiện. Câu khẳng định luôn có ít nhất một chủ ngữ và một động từ đi kèm. Một số cấu trúc cơ bản của câu khẳng định bao gồm.

Cấu trúc câu trong tiếng Anh: S+V

Cấu trúc câu khẳng định cơ bản nhất là sự kết hợp của một chủ ngữ S và một động từ V. Động từ này sẽ là động từ chỉ hành động của chủ ngữ đó.

S + V.

Ví dụ: He ran away. ( Anh ấy đã chạy mất.)

 

→ Trong câu khẳng định trên, chủ ngữ S là “He” và động từ V là “ran”. Lưu ý, động từ sử dụng trong câu phải là nội động từ, nghĩa là loại động từ không yêu cầu sử dụng tân ngữ phía sau. 

Cấu trúc câu trong tiếng Anh: S+V+O

Khi cần cụ thể đối tượng bị tác động bởi hành động của chủ ngữ, bạn có thể cụ thể thêm một tân ngữ phía sau động từ. 

S + V + O.

Ví dụ: A dog bites me. (Một con chó cắn tôi.)

→ Trong câu khẳng định trên, chủ ngữ S là “A dog” (một con chó), động từ V của chủ ngữ này là “bite” (cắn) và tân ngữ O là “me” (tôi).

 

Trong câu trên, đối tượng thực hiện hành động cắn là chủ ngữ một con chó, và đối tượng chịu sự tác động của hành động đó là tôi - người nói. Lưu ý, động từ sử dụng trong câu phải là ngoại động từ, nghĩa là loại động từ yêu cầu sử dụng tân ngữ phía sau. 

Cấu trúc câu trong tiếng Anh: S+V+O+O

Một số động từ còn có thể sử dụng kèm theo đến 2 tân ngữ và được gọi là động từ chuyển tiếp.

S + V + O1 + O2.

Trong các tân ngữ phía sau động từ, một tân ngữ được gọi là tân ngữ trực khi nó tiếp nhận sự tác động của hành động, và một tân ngữ được gọi là tân ngữ gián tiếp khi nó không trực tiếp nhận sự tác động của hành động thông qua tân ngữ trực tiếp. Thông thường tân ngữ gián tiếp là thông tin để trả lời câu hỏi “cho ai, cho cái gì” hoặc “vì ai, vì cái gì”.

Ví dụ: The company offers me a job. (Công ty cung cấp cho tôi một công việc.)

 

→ Trong câu khẳng định trên với hành động là “offer” (cung cấp) của chủ ngữ “the company” (công ty), tân ngữ trực tiếp được cung cấp là “a job “ (một công việc) và tân ngữ gián tiếp là “me” (tôi - người nói) để trả lời cho câu hỏi “cho ai”.

Một số động từ chuyển tiếp bao gồm.

Một số động từ chuyển tiếp

Động từ

Ví dụ

give

They gave him the instructions. (Họ đưa cho anh ấy các chỉ dẫn.)

send

He sent us an email. (Anh ấy gửi cho chúng tôi một lá thư.)

show

The teacher showed the students a new experiment. (Giáo viên đã cho học sinh xem một thí nghiệm mới.)

tell

She tells us a funny story. (Cô ấy đã kể cho chúng tôi một câu chuyện vui.)

offer

They offered him a job. (Họ đã đề nghị anh ấy một công việc.)

bring

She brings me a glass of water. (Cô ấy mang cho tôi một cốc nước.)

write

She wrote her sister a letter. (Cô ấy đã viết một lá thư cho em gái mình.)

buy

He bought his girlfriend a beautiful necklace. (Anh ấy đã mua một dây chuyền đẹp cho bạn gái mình.)

Cấu trúc câu trong tiếng Anh: S+V+C 

Ngoài tân ngữ, bạn còn có thể sử dụng các thành phần bổ nghĩa (complement) phía sau động từ, thông thường là tính từ, danh từ, hoặc giới từ khác, phụ thuộc vào cấu trúc của động từ chính mà câu sử dụng.

DOL sẽ tổng hợp các thành phần này đi kèm với các ví dụ cụ thể trong bảng bên dưới.

S + V + C.

Các thành phần bổ nghĩa (complement)

Động từ

Ý nghĩa

Ví dụ

Một số động từ đi sau là tính từ (Complement = Adjective)

be, seem, become, go

Tính từ đi sau các động từ bổ nghĩa cho chủ ngữ.

The flowers are beautiful. (Những bông hoa thật xinh đẹp.)

She seems funny. (Cô ấy có vẻ vui nhộn.)

look

Tính từ đi sau thể hiện vẻ ngoài của chủ ngữ.

He looks handsome. (Anh ấy trông thật đẹp trai.)

feel

Tính từ đi sau thể hiện cảm giác của chủ ngữ.

The students feel tired. (Những học sinh cảm thấy mệt mỏi.)

smell

Tính từ đi sau thể hiện mùi của chủ ngữ.

The food smells bad. (Đồ ăn có mùi tệ quá.)

taste

Tính từ đi sau thể hiện vị của chủ ngữ.

Coffee tastes bitter. (Cà phê có vị đắng.)

sound

Tính từ đi sau thể hiện tính chất thính giác của chủ ngữ.

This song sounds energetic. (Bài hát này nghe tràn đầy năng lượng.)

remain, stay

Tính từ đi sau là tính chất không thay đổi của chủ ngữ.

The city remains modern. (Thành phố vẫn luôn hiện đại.)

Một số động từ đi sau là danh từ (Complement = Noun)

be, become

Chủ ngữ là, hoặc trở thành danh từ đi sau.

She becomes a feminist. (Cô ấy trở thành một người nữ quyền.)

eat, drink

Chủ ngữ ăn hoặc uống danh từ đi sau.

He eats a hamburger. (Anh ấy ăn một cái bánh hamburger.)

read

Chủ ngữ đọc danh từ (thường là sách hoặc chữ) đi sau.

I read a book. (Tôi đọc một cuốn sách.)

write

Chủ ngữ viết danh từ (thường là sách hoặc chữ) đi sau.

She writes a book. (Cô ấy viết một cuốn sách.)

build

Chủ ngữ xây dựng danh từ đi sau.

The men build this house. (Những người đàn ông xây dựng căn nhà này.)

wear

Chủ ngữ mặc danh từ đi sau.

She wears a dress.(Cô ấy mặc một chiếc đầm.) 

Cấu trúc câu trong tiếng Anh: S+V+O+C

Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng các thành phần bổ nghĩa sau một tân ngữ. Thành phần bổ nghĩa này sẽ được hiểu là đang bổ nghĩa cho tân ngữ này.

S + V + O + C.

Các thành phần bổ nghĩa sau một tân ngữ

Động từ

Ý nghĩa

Ví dụ

find, consider

Chủ ngữ cảm thấy tân ngữ có tính chất nào đó.

She finds the puppy cute. (Cô ấy cảm thấy chú chó con đáng yêu.)

I consider this degree unecessary. (Tôi cho rằng cái bằng cấp này không cần thiết.)

make

Chủ ngữ khiến cho tân ngữ có tính chất nào đó.

He makes the lesson simple. (Anh ấy khiến cho bài học đơn giản.)

paint

Chủ ngữ sơn tân ngữ một màu sắc nào đó.

They painted the room red. (Họ sơn căn phòng màu đỏ.)

2. Câu phủ định

Ngoài các cấu trúc câu khẳng định, bạn còn có thể sử dụng cấu trúc câu phủ định. Câu phủ định thể hiện sự phủ định đối với một tuyên bố, ý kiến hoặc sự kiện.

Để biến đổi cấu trúc câu khẳng định thành cấu trúc câu phủ định, bạn chỉ cần tuân theo công thức sau.

S + trợ động từ + (not) + V + các tân ngữ hoặc thành phần bổ nghĩa khác nếu có.

Ví dụ: He does not consider her smart enough. (Anh ấy không xem rằng cô ấy đủ thông minh.)

 

→ Trong câu phủ định trên, chủ ngữ là “he” (anh ấy) sử dụng động từ “consider” ở dạng phủ định nên bạn cần sử dụng trợ động từ (does) đi trước để đi kèm với từ phủ định “not”.

3. Câu nghi vấn

Có 3 dạng câu hỏi chính trong tiếng Anh bao gồm câu hỏi dạng “yes/no”, câu hỏi sử dụng từ để hỏi “Wh-” và câu hỏi đuôi.

Câu hỏi dạng Yes/No question

Câu hỏi ‘yes/no” là các dạng câu hỏi có câu trả lời là “yes” (có) hoặc “no” (không). Câu hỏi “yes/no” được sử dụng để xác nhận một thông tin là đúng hay sai từ người nghe.

Câu hỏi này dùng dạng đảo ngữ của các trợ động từ (đưa trợ động từ lên đầu câu) trong câu khẳng định tương ứng để đặt câu hỏi theo công thức sau.

Trợ động từ + S + động từ chính + Complement (thành phần bổ nghĩa còn lại)?

Ví dụ.

  • Câu khẳng định: You are nice. (Bạn thật tốt.)

  • Câu hỏi “yes/no” tương ứng: Are you nice? (Bạn có tốt không?)

→ Trong ví dụ trên, câu hỏi “yes/no” được sử dụng để xác nhận thông tin trong câu khẳng định rằng bạn có tốt không bằng cách sử dụng dạng đảo ngữ của câu khẳng định (Đưa động từ “are” lên trước câu). Có thể thấy rằng, để tạo ra các các câu hỏi “yes/no”, bạn thường bắt đầu từ dạng câu khẳng định trước rồi đảo các trợ động từ trong câu lên trước.

Câu hỏi dạng Wh-question

Câu hỏi “Wh-” là các câu hỏi sử dụng các từ để hỏi “Wh-” để cấu thành nên câu hỏi để thu thập các thông tin chính xác được hỏi. Bạn không thể trả lời câu hỏi này với “yes” hoặc “no”. 

1. Câu hỏi “Wh-” để hỏi thành phần chủ ngữ

Câu hỏi để hỏi thành phần chủ ngữ là các câu hỏi để hỏi về đối tượng thực hiện một hành động nào đó.

Vì đối tượng thực hiện hành động chỉ bao gồm người và vật, câu hỏi “Wh-” dạng này chỉ bao gồm từ để hỏi “What” (Cái gì), “Who” (Ai), “Which” (Cái nào/Người nào), “Whose” (Của ai/Của cái gì).

Các câu hỏi này có cấu trúc như sau.

Các câu hỏi Wh

Dạng

Công thức

Sử dụng “Wh-” như chủ ngữ

Who/What + V* + Thành phần còn lại?

*Động từ luôn chia ở dạng số ít.

Cần cụ thể thêm danh từ

Which/Whose + N + V + Thành phần còn lại?

*Đôi khi “which” và “whose” không cần cụ thể danh từ nếu cả người nghe và người nói đều hiểu rõ danh từ ở đây được nhắc đến là gì.

Ví dụ.

  • Who was the first president of America? (Ai là người tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ?)George Washington was first president of America.

  • Whose phone is on the table? (Điện thoại của ai đang nằm trên bàn thế?) My phone is on the table. (Điện thoại của tôi đang nằm trên bàn.)

2. Câu hỏi “Wh-” để hỏi thành phần vị ngữ

Câu hỏi để hỏi thành phần vị ngữ là các câu hỏi để hỏi về đối tượng bị tác động bởi một hành động nào đó, một hành động, hoặc các thông tin bổ nghĩa thêm cho hành động, sự kiện như thời gian, địa điểm, lý do, hoặc tính chất của một sự kiện.

Câu hỏi “Wh-” để hỏi thành phần vị ngữ sử dụng dạng đảo ngữ của trợ động từ chính trong câu, có dạng như sau.

Wh- + trợ động từ + S + V + thành phần còn lại?

Ví dụ.

  • What have you done? (Bạn đã làm gì?) → I have found an error. (Tôi đã phát hiện một lỗi.)

  • Who did you met? (Bạn đã gặp ai?) → I met my mother. (Tôi gặp mẹ của tôi.)

3. Câu hỏi đuôi (Tag question)

Câu hỏi đuôi, còn được gọi là "tag questions," là các câu hỏi ngắn được thêm vào cuối một câu khẳng định hoặc phủ định để xác nhận thông tin, yêu cầu sự đồng thuận, hoặc thể hiện sự chắc chắn từ phía người nói.

Câu hỏi đuôi thường được trả lời bằng “yes” (có) để khẳng định thông tin trong mệnh đề là đúng, và “no” để khẳng định thông tin này là sai. 

Cấu trúc chung của câu hỏi đuôi thường bao gồm một mệnh đề khẳng định hoặc phủ định và một câu hỏi đuôi kèm phía sau. 

Dạng khẳng định: S + V, trợ động từ + not + S?

Dạng phủ định: S + (not) V, trợ động từ + S?

Ví dụ.

  • He cycles every morning in the park, doesn’t he?(Anh ấy đạp xe mỗi buổi sáng trong công viên, đúng không?) → Yes, he does. (Anh ấy có đạp xe.)

  • You didn’t lock the gate yesterday, did you? (Bạn đã không khoá cổng hôm qua, đúng không?) → No, I didn’t (Không, tôi đã không đóng.)

4. Câu ghép

Câu ghép là dạng câu có từ 2 mệnh đề độc lập trở lên và 2 mệnh đề này được nối với nhau bằng một thành phần liên kết.

Với mệnh đề độc lập (Câu đơn) là mệnh đề có đầy đủ chủ vị và luôn có nghĩa khi đứng một mình như các dạng câu khẳng định hoặc phủ định trên.

Công thức: S + V (+ O/C) + Connector (thành phần kết nối) + S + V (+ O/C).

Ví dụ: I received my salary this morning. I bought a cake for myself. (Tôi nhận được lương sáng nay. Tôi mua bánh cho bản thân ăn.)

Có 3 cách để nối những mệnh đề độc lập thành câu ghép. Cụ thể, các thành phần kết nối trong câu ghép bao gồm.

Liên từ kết nối (Coordinators) 

Liên từ là các từ ngữ có chức năng liên kết hai thành phần trong câu và cung cấp thêm một ý nghĩa cho hai mệnh đề trong câu. Các liên từ sử dụng trong câu ghép chỉ được sử dụng để kết nối hai mệnh đề độc lập với nhau.

Cấu trúc của câu ghép khi sử dụng liên từ có dạng 2 mệnh đề độc lập sử dụng các liên từ trong tiếng Anh (các liên từ này được viết tắt là FANBOYS).

Mệnh đề độc lập 1 + FANBOYS + Mệnh đề độc lập 2.

Ví dụ: I don’t have any money so I can’t buy food.(Tôi không có tiền nên tôi không thể mua thức ăn.)

DOL đã tổng hợp các liên từ, chức năng cũng như lưu ý của câu ghép phổ biến ở bảng sau.

Tổng hợp các liên từ và chức năng

Liên từ

Chức năng

Ví dụ và dịch nghĩa

A, for B

[A] là kết quả của nguyên nhân [B].

I am buying a car, for I have won the lottery. (Tôi sắp mua xe, bởi vì tôi đã trúng số.)

A, and B

Bổ sung, nối tiếp chuỗi thông tin tương tự nhau.

John went to the market, and he bought some milk. (John đã đi chợ, và anh ấy đã mua một ít sữa.)

A, nor B

Liên kết, nối tiếp chuỗi thông tin phủ định.

John didn’t go to the market, nor did he buy anything for me. (John đã không đi chợ, mà cũng không mua gì cho tôi.)

A, but B

[A] và [B] là hai thông tin tương phản.

My mom is pretty but she doesn’t think so. (Mẹ tôi đẹp lắm nhưng mà bà ấy không nghĩ vậy.)

A, or B

Thể hiện sự lựa chọn giữa một trong hai [A], hoặc [B].

You should give me back my money, or I won’t be your friend anymore. (Bạn nên trả tiền cho tôi, hoặc là chúng ta không còn là bạn bè gì nữa.)

A, yet B

“Yet” có mặt nghĩa và cách sử dụng tương tự “but”. Tuy nhiên “yet” có thể mang tính trang trọng hơn.

He said he was my friend, yet he kept disappointing me. (Anh ấy nói rằng anh ấy là bạn tôi, nhưng mà anh ấy cứ làm tôi thất vọng.)

A, so B

[A] là nguyên nhân của kết quả [B].

Sarah was late for the meeting, so she missed the information.(Sarah đã đi trễ trong buổi họp, nên cô ấy không nghe được thông tin trong buổi họp đó.)

Dùng dấu chấm phẩy

Bạn có thể sử dụng dấu chấm phẩy để liên kết hai câu đơn thành một câu ghép khi hai câu đơn này có mối quan hệ gần gũi.

Cấu trúc: Mệnh đề độc lập 1 + dấu chấm phẩy (;) + Mệnh đề độc lập 2.

Ví dụ

  • Mệnh đề độc lập: My mom was working in the garden. My dad was fixing the car in the garage.(Mẹ tôi đang làm việc trong vườn. Ba tôi đang sửa xe trong ga-ra.)

  • Mệnh đề đã ghép:  My mom was working in the garden; my dad was fixing the car in the garage.(Mẹ tôi đang làm việc trong vườn; ba tôi đang sửa xe trong ga-ra.)

Dùng Conjunctive Adverb (Trạng từ kết nối) 

Bạn có thể sử dụng trạng từ kết nối (Conjunctive adverbs) để kết nối hai câu đơn tạo thành câu ghép. Tuy nhiên, khác với các liên từ, trạng từ kết nối cần được kết hợp chung với các thành phần kết nối khác (Liên từ kết nối, dấu chấm phẩy).

Có hai cách để bạn có thể sử dụng trạng từ kết nối trong câu ghép.

Cách 1: Mệnh đề độc lập 1 + Dấu chấm phẩy (;) + Trạng từ kết nối + Dấu phẩy (,) + Mệnh đề độc lập 2.

Ví dụ: He didn't study for the test; therefore, he failed. (Anh ấy đã không luyện tập cho kì thi; vì thế, anh ấy đã thi rớt.)

Cách 2: Mệnh đề độc lập 1 + Dấu phẩy (,) + Liên từ “and” + Trạng từ kết nối + Dấu phẩy (,) + Mệnh đề độc lập 2.

Ví dụ: He didn't study for the test, and therefore, he failed. (Anh ấy đã không luyện tập cho kì thi, và vì thế, anh ấy đã thi rớt.)

DOL gửi đến bạn một số trạng từ liên kết thường được sử dụng trong bài viết IELTS thông qua bảng sau.

Các đại từ và trạng từ quan hệ trong tiếng Anh

Trạng từ liên kết

Chức năng

Ví dụ và dịch nghĩa

Moreover

Bổ sung thông tin cho mệnh đề trước đó.

People should stop using plastic, and moreover, they should be conservative about water usage.(Người dân nên ngừng sử dụng nhựa, và hơn nữa, họ nên tiết kiệm hơn khi sử dụng nước.)

First, next, second, lastly

Thể hiện một trình tự về thời gian.

(First = đầu tiên; Next = tiếp theo; Lastly = cuối cùng)

I walked to school; next, I saw my friend and we walk together. (Tôi đi bộ đến trường; sau đó, tôi gặp bạn của tôi và chúng tôi đi bộ cùng nhau.)

Therefore

Thus

Hence

Consequently

Thể hiện quan hệ nhân quả, với mệnh đề trước là nguyên nhân.

Children must stop using computers too much; therefore, they can have time to let their eyes rest. (Trẻ em nên ngừng sử dụng máy tính quá nhiều; vì thế, chúng có thể có thời gian để mắt nghỉ ngơi.)

However

Nonetheless

Nevertheless

Thể hiện sự tương phản giữa hai mệnh đề.

Many people use plastic products every day; however, these products can have detrimental effects on the environment. (Nhiều người sử dụng sản phẩm nhựa mỗi ngày; tuy nhiên, các sản phẩm này có nhiều tác động tiêu cực lên môi trường.)

Meanwhile

Thể hiện sự diễn ra đồng thời của hai mệnh đề.

Global warming is becoming more noticable; meanwhile, disasters are happening everywhere. (Nóng lên toàn cầu đang trở nên phổ biến hơn; trong khi đó, các thảm họa cũng đang diễn ra khắp nơi.

For example

For instance

Đưa ra ví dụ cho một mệnh đề đứng trước.

Parents can help improve their children’s meals in many ways; for example, they can use iodized salt. (Cha mẹ có thể cải thiện bữa ăn của con cái họ bằng nhiều cách; ví dụ, họ có thể sử dụng muối i-ốt.)

5. Câu phức

Câu phức là cấu trúc câu có ít nhất hai mệnh đề: một mệnh đề chính (main clause) và một hoặc nhiều mệnh đề phụ (subordinate clause).

Mệnh đề chính có thể tồn tại một mình như một câu đơn, nhưng mệnh đề phụ không thể tồn tại độc lập mà cần mệnh đề chính để hoàn thành ý nghĩa.

Có 4 loại câu phức.

Câu phức dùng mệnh đề trạng ngữ

Câu phức có thể được hình thành bằng cách sử dụng liên từ để thể hiện ý nghĩa giữa mệnh đề chính và mệnh đề phụ. Mệnh đề phụ đi kèm với liên từ lúc này có thể được gọi là mệnh đề trạng ngữ.

Các liên từ này sẽ được DOL tổng hợp trong bảng sau kèm với cách sử dụng và ví dụ cụ thể.

Câu phức dùng liên từ

Liên từ

Ý nghĩa

Ví dụ

because/since/as + S + V

Đưa ra nguyên nhân cho mệnh đề chính.

He likes summer because it is hot. (Anh ấy thích mùa hè bởi vì trời khi đó nóng.)

because of/due to/owing to N/V-ing

although/though/even though/while/whereas + S + V

Đưa ra một mệnh đề tương phản với mệnh đề chính.

Although he was 20, he could not drive himself anywhere. (Mặc dù anh ấy đã 20 tuổi, anh ấy không thể tự lái xe đi đâu cả.)

Despite/In spite of + N/V-ing

When/While + S + V

Đưa ra một hành động, sự kiện xảy ra cùng lúc với mệnh đề chính

When my mom was cooking, my father was fixing the door. (Khi mẹ tôi đang nấu ăn, ba tôi đang sửa cái cửa.)

in order to/so as to/to + V

Đưa ra mục đích của mệnh đề chính

In order to get better result, I study harder. (Để mà có kết quả tốt hơn, tôi học hành chăm chỉ hơn.)

in order that/so that S + V

if/unless + S + V

Đưa ra điều kiện để mệnh đề chính có thể xảy ra.

If you knew me, you would be surprise. (Nếu bạn biết tôi, bạn sẽ thấy bất ngờ.)

Câu phức dùng mệnh đề quan hệ 

Mệnh đề quan hệ là một cụm thông tin, thường có dạng một mệnh đề, để bổ sung thêm ý nghĩa cho một danh từ trong câu.

Dấu hiệu nhận biết một mệnh đề quan hệ chính là các đại từ quan hệ hoặc trạng từ quan hệ đi kèm với một mệnh đề S + V. Mệnh đề quan hệ sẽ đứng sau một danh từ/cụm danh từ hoặc đại từ. 

Mệnh đề quan hệ có chủ ngữ, vị ngữ đầy đủ, và được bắt đầu bằng một đại từ quan hệ (bao gồm "who," "whom," "whose," "which," và "that") hoặc một trạng từ quan hệ (bao gồm "where," "when," hoặc "why"). 

S + (Đại từ quan hệ/Trạng từ quan hệ + S + V + O) + V + O.

Ví dụ: The book that I borrowed from the library was incredibly insightful. (Cuốn sách mà tôi mượn ở thư viện cực kỳ sâu sắc.)

→ Mệnh đề phụ “that I borrowed from the library” là mệnh đề quan hệ, được nối với mệnh đề chính bằng đại từ quan hệ “that”. Nó đứng sau và bổ nghĩa cho chủ ngữ (cụm danh từ) “the book”.

Đại từ quan hệ là các đại từ thay thế cho danh từ, trong khi trạng từ quan hệ thường mô tả thêm thông tin về nơi chốn, thời gian, hoặc lý do trong mệnh đề quan hệ.

Các đại từ và trạng từ quan hệ trong tiếng Anh sẽ được tổng hợp trong bảng sau.

Các đại từ và trạng từ quan hệ

Cách sử dụng

Cấu trúc

Ví dụ

Đại từ quan hệ

Who: Sử dụng để đề cập đến những danh từ chỉ người

→  Đóng vai trò Chủ ngữ hoặc Tân ngữ.

  • N (người) + who + V + O

  • N (người) + who + S + V

  • The woman who won the award is my sister. (Người phụ nữ mà đã giành giải là chị gái của tôi.)

  • The man who I met yesterday is my neighbor. (Người đàn ông mà tôi gặp hôm qua là hàng xóm của tôi.)

Whom: Sử dụng để đề cập đến những danh từ chỉ người. 

→ Đóng vai trò Tân ngữ.

N (người) + whom + S + V + O

The artist, whom the gallery featured, has an upcoming exhibition. (Nghệ sĩ mà phòng trưng bày giới thiệu sắp có một cuộc triển lãm.)

Whose:

  • Sử dụng để chỉ sở hữu của người và vật. 

→ Nằm giữa 2 danh từ 

  • Whose + danh từ có thể là chủ ngữ, tân ngữ của động từ hoặc tân ngữ của giới từ.

N (người, vật) + whose + N (người, vật) + V + O

  • The company, whose profits have doubled, is expanding its operations. (Công ty, mà lợi nhuận của họ đã tăng gấp đôi, đang mở rộng hoạt động kinh doanh.)

  • Linda saw a girl whose beauty took her breath away. (Linda nhìn thấy một cô gái mà vẻ đẹp của cô ấy làm cô choáng ngợp.)

Which: Sử dụng để đề cập đến những danh từ chỉ vật. 

→ Đóng vai trò Chủ ngữ hoặc Tân ngữ.

  • N (vật) + which + V + O

  • N (vật) + which + S + V

  • The novel, which I read last summer, was incredibly engaging. (Cuốn tiểu thuyết mà tôi đọc vào mùa hè năm ngoái cực kỳ hấp dẫn.)

  • The car which is parked outside is mine. (Chiếc xe đậu bên ngoài là của tôi.)

That: Sử dụng để đề cập đến những danh từ chỉ người và vật. 

→ Đóng vai trò Chủ ngữ Tân ngữ.

*Không dùng “that” trong Mệnh đề quan hệ không xác định và “that” không thể đứng sau dấu phẩy.

  • N (người, vật) + that + V + O 

  • N (người, vật) + that + S +  V

  • The book that I borrowed from the library was a bestseller. (Cuốn sách mà tôi mượn từ thư viện là một quyển sách bán chạy.)

  • The dog that barks all night is annoying. (Chú chó sủa suốt đêm rất phiền.)

Trạng từ quan hệ

Cách sử dụng

Đại từ quan hệ tương đương

Ví dụ

When: Sử dụng để chỉ thời điểm một hành động xảy ra.

at/ on/ in/ during/… + which 

(Việc sử dụng giới từ nào phụ thuộc vào loại thời gian: ngày, tháng, năm…)

The day when/on which we met for the first time is forever etched in my memory. (Ngày chúng ta gặp nhau lần đầu tiên sẽ mãi mãi khắc sâu trong ký ức của tôi.)

Where: Sử dụng để chỉ địa điểm một hành động xảy ra.

at/ on/ in/… + which 

(Việc dùng giới từ nào phụ thuộc vào địa điểm: tại công ty, trên đường, trong nhà, v.v.)

She took me to the park where/in which we used to play as children. (Cô ấy đưa tôi đến công viên nơi chúng tôi từng chơi khi còn nhỏ.)

Why: Sử dụng để chỉ lý do một hành động xảy ra.

for which

He explained the reason why/for which he couldn't attend the meeting yesterday. (Anh ấy giải thích lý do tại sao anh ấy không thể tham dự cuộc họp ngày hôm qua)

Dùng mệnh đề danh ngữ

Mệnh đề danh ngữ là các mệnh đề (S + V) đóng vai trò như một danh từ trong một câu. Vì vậy, các mệnh đề này có thể làm chủ ngữ (S) hoặc tân ngữ (O) trong câu.

Mệnh đề danh ngữ thường bắt đầu bằng các từ như sau theo thứ tự.

- Đại từ hoặc liên từ: Các đại từ như “who”, “whom”, “that”, “what”, “why”... hoặc các liên từ “if/whether” hoặc “that”

- Mệnh đề S + V: Một chủ ngữ và một động từ theo sau (và tân ngữ hoặc các thành phần bổ nghĩa nếu có).

Để sử dụng mệnh đề danh ngữ, bạn tuân thủ theo cấu trúc sau.

Cấu trúc mệnh đề danh ngữ và chức năng

Chức năng trong câu

Công thức

Ví dụ

Mệnh đề danh ngữ làm chủ ngữ

Whether (or not)/Wh- + S + V + V.

Whether or not he has money is not my concern. (Liệu anh ta có hay không có tiền thì cũng không phải là điều tôi bận tâm.)

Mệnh đề danh ngữ làm tân ngữ

S + V + whether (or not)/Wh-.

She doesn’t know what her children want. (Cô ấy không biết con cô ấy muốn gì.)

6. Câu mệnh lệnh

Câu mệnh lệnh là các cấu trúc câu được sử dụng để ra lệnh, yêu cầu, hoặc khuyến khích người nghe làm điều gì đó.

Thường thì câu mệnh lệnh không có chủ ngữ và chỉ sử dụng động từ ở dạng nguyên mẫu để yêu cầu người nghe thực hiện chính hành động đấy. Câu mệnh lệnh có cấu trúc như sau.

V1 + thành phần còn lại của câu.

Ví dụ.

  • Close the door. (Đóng cửa.)

  • Please pass me the salt. (Làm ơn đưa cho tôi muối.)

Khi không muốn hoặc không cho phép người nghe làm một việc gì đó, bạn có thể sử dụng câu mệnh lệnh dạng phủ định với công thức như sau.

Don’t + V1 + thành phần còn lại của câu.

Ví dụ.

  • Don’t eat too much salt. (Đừng ăn nhiều muối quá.)

  • Don’t go out alone at night. (Đừng ra đường một mình vào buổi tối.)

7. Câu cảm thán

Câu cảm thán là các cấu trúc câu được sử dụng để thể hiện sự kinh ngạc, hạnh phúc hoặc cảm xúc mạnh mẽ khác. Câu cảm thán thường được kết thúc bằng dấu chấm than (!).

Ví dụ.

  • What a beautiful sunset! (Chao ôi, cảnh hoàng hôn đẹp quá!)

  • Wow, I can't believe you did that! (Ồ, tôi không thể tin là bạn đã làm điều đó!)

Để nắm rõ các cấu trúc câu cảm thán cơ bản trong tiếng Anh, bạn hãy tham khảo bảng sau.

Cấu trúc câu cảm thán cơ bản

Trường hợp

Cấu trúc

Ví dụ

Cấu trúc câu cảm thán với “What”

Dùng với danh từ đếm được

What + a/an + Adj + danh từ đếm được!

What a cute puppy! (Thật là một con chó con dễ thương!)

What an expensive house! (Thật là một ngôi nhà đắt tiền!)

Dùng với danh từ đếm được số nhiều

What + Adj + danh từ đếm được số nhiều!

What big houses! (Những ngôi nhà lớn ghê!)

Dùng với danh từ không đếm được

What + Adj + danh từ không đếm được!

What dirty water! (Nước bẩn làm sao!)

Làm rõ nghĩa cho vế trước bằng mệnh đề quan hệ

What + (a/an) + Adj + N + (that)  S + V !

What a brilliant student I have ever taught! (Thật là một học sinh xuất sắc mà tôi từng dạy!)

Cấu trúc câu cảm thán với “How”: How + Adj/Adv + S + V!

Ví dụ: How warm my new coat is! (Chiếc áo khoác mới của tôi mới ấm áp làm sao!)

Cấu trúc câu cảm thán với “so”: S + V + so + Adj/Adv!

Ví dụ: The students in this class are so smart! (Các học sinh trong lớp học này thật thông minh!)

Cấu trúc câu cảm thán với “such”: S + V + such + (a/an) + Adj + N!

Ví dụ: The animals at the zoo are such friendly creatures! (Những loài thú ở sở thú quả là những con vật thân thiện!)

Cấu trúc câu cảm thán ở dạng phủ định nhấn mạnh tính từ: Be (not) + S + Adj!

Ví dụ: Aren’t your paintings adorable! (Chẳng phải những bức tranh của bạn thật đáng yêu sao!)

Cấu trúc câu cảm thán ở dạng phủ định nhấn mạnh danh từ: Be (not) + S + Adj + N!

Ví dụ: Weren’t they a happy couple! (Chẳng phải bọn họ là một cặp đôi hạnh phúc sao!)

Những cấu trúc câu thông dụng khác trong tiếng Anh 

Ngoài các dạng câu trên, người nói tiếng Anh còn có thể sử dụng được một số cấu trúc câu thông dụng khác. DOL sẽ tổng hợp các cấu trúc này bên dưới, cũng như đưa ra các định nghĩa và công thức để bạn có thể dễ dàng theo dõi và nắm rõ cách sử dụng chúng.

Cấu trúc câu Used to + V-infinitive

Cấu trúc "Used to" là một cụm từ tiếng Anh dùng để diễn đạt một hành động hoặc tình trạng đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng hiện tại không còn xảy ra nữa. Khi sử dụng cấu trúc này, bạn cần nhớ động từ đi sau là một động từ nguyên mẫu.

S + used to + V1.

Ví dụ.

  • I used to live in New York. (Tôi đã từng sống ở New York.)

  • She used to play the piano, but she doesn't anymore. (Cô ấy đã từng chơi piano, nhưng giờ không chơi nữa.)

Trong các ví dụ trên, cấu trúc “used to” thể hiện rằng các hành động và sự kiện đã từng xảy ra quá khứ và nhấn mạnh rằng hiện tại đã không còn tiếp diễn nữa.

Cấu trúc câu Be used to/ get used to + V-ing/Noun

Cấu trúc “be used to” thường được sử dụng để diễn đạt về sự quen thuộc hoặc sự thoải mái trong việc làm một việc gì đó, hoặc một sự chịu đựng trong giới hạn đối với một điều kiện nhất định. Cấu trúc “be used to” sử dụng danh động từ (động từ ở dạng V-ing) hoặc danh từ phía sau.

S + be/get  used to + V-ing/Noun.

Ví dụ.

  • She is used to working late nights, so the night shift doesn't bother her.(Cô ấy đã quen làm việc đêm muộn, nên ca đêm không làm phiền cô ấy.)

  • It took me some time to get used to the new job. (Tôi mất một thời gian để thích nghi với công việc mới.)

Cấu trúc câu S + V + too + adj/adv + (for someone) + to do something

Từ “too” khi sử dụng với một tính từ hoặc trạng từ thể hiện nghĩa tính chất đó quá lớn, dẫn đến một hệ quả nào đó. Cấu trúc này có dạng như sau.

S + V + too + Adj/Adv + (for N) + to V.

Ví dụ: The lesson is too hard for me to understand. (Bài học này quá khó để tôi có thể hiểu.)

Bài tập

Để có thể củng cố lại kiến thức trong bài, hãy thử sức qua những dạng bài tập cấu trúc câu trong tiếng Anh được DOL cung cấp sau đây nhé!

Bài tập 1: Sắp xếp các từ sau để tạo thành các câu khẳng định, phủ định và nghi vấn hoàn chỉnh.

 

 

  1. She /dinner/for/cakes/like → 01.

  2.  The cat /is sleeping/on the bed → 02..

  3. We /to the beach /going /this weekend /are? → 03.?

  4. never /eat /she /what /does → 04.?

  5. the students /homework /every day/do → 05.

  6. They /the test /pass /last week /didn’t → 06.

  7. We /in the park /played /yesterday/didn’t → 07.

  8. They /speak /English /can /fluently → 08.

  9. she /practice /yoga /every morning /does → 09.?

  10. They /very loudly /sing /can → 10.

Your last result is 0/10

Check answer

Bài tập 2: Sắp xếp các từ sau để tạo thành câu ghép hoàn chỉnh

 

 

  1. My /is /goal /a /to /better /become /person. → 01.

  2. She /loves /reading /mystery novels /she /watches /thriller movies /but. → 02.

  3. They /study /hard /they /finals /passed /and. → 03.

  4. He /to /concert /bought /tickets /excited /he /very /was /and. → 04.

  5. She /wanted /travel /Europe /but /she /had /save /enough /couldn't /money. → 05.

  6. She /wanted /travel /Europe /but /she /had /save /enough /couldn't /money. → 06.

  7. We /for /packed /our /camping trip/ camping gears/friends /prepared /food /and. → 07.

  8. They /to /beach /sunny /decided /the /a / and/ day /spend /they /liked /it. → 08.

  9. He /to /office /bike /commutes /every /day /but /he /the bus / takes /sometimes. → 09.

  10. We /movie /wanted /to /watch /it /was /late /so /we /decided /home /to /stay /but. → 10.

Your last result is 0/10

Check answer

Bài tập 3: Sắp xếp các từ sau để tạo thành câu phức hoàn chỉnh

 

 

  1. The man I met yesterday. He was my dad. →The man  01.

  2. The book is on the table. I bought it last week. → The book 02.

  3. The movie was interesting. I watched it yesterday. → The movie 03.

  4. The car is expensive. I want to buy it. → The car 04.

  5. The restaurant serves delicious food. We go there often. → The restaurant 05.

  6. The computer is slow. I bought it last year. → The computer 06.

  7. The movie is in English. My friend recommended it to me. → The movie  07.

  8. The dog is friendly. It lives next door. → The dog 08.

  9. The mountain is steep. We climbed it during our hiking trip. → The mountain 09.

  10. The movie is long. I watched it with my friends. → The movie  10.

Your last result is 0/10

Check answer

Tổng kết 

Cấu trúc câu là một thành phần rất cơ bản trong tiếng Anh để diễn đạt các thông tin hoặc ý nghĩa của người viết/người nói. Trong bài viết này, DOL đã điểm qua một số dạng cấu trúc câu cơ bản cũng như một số cấu trúc câu thông dụng khác trong tiếng Anh và một số bài tập để luyện tập viết câu trong tiếng Anh.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc câu trong tiếng Anh và có thể thực hành phân tích và viết câu hoàn chỉnh. Mời bạn hãy cùng khám phá thêm các bài viết ngữ pháp khác tại DOL Grammar nhé!

Trần Hoàng Huy

Trần Hoàng Huy đang là giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm DOL English với 3 năm kinh nghiệm làm việc tại Mercury Academy (Mercury.net.vn) làm việc với giáo viên bản ngữ. Đồng thời Huy cũng có kinh nghiệm 5 năm làm việc hỗ trợ cho các nhóm học sinh giao tiếp tiếng Anh với giáo viên.

Bạn đã đọc hiểu toàn bộ bài lý thuyết trên chưa? Hãy đánh dấu đã đọc để lưu lại quá trình học nhé!

Đánh dấu đã đọc