Mệnh đề (Clause) là gì? Các loại mệnh đề trong tiếng Anh
Mệnh đề (Clause) là một nhóm các từ bao gồm một chủ ngữ (Subject) và một động từ (Verb) có liên quan mật thiết với nhau nhằm mục đích truyền tải một thông điệp cụ thể. Có rất nhiều cấu trúc mệnh đề trong tiếng Anh, việc này có thể làm cho quá trình tìm hiểu và nắm vững kiến thức về mệnh đề trở nên khó khăn đối với người học.
Trong bài viết này, DOL Grammar sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn mệnh đề trong tiếng Anh là gì? Các loại mệnh đề và cách sử dụng chi tiết của từng loại mệnh đề trong tiếng Anh. Hãy cùng bắt đầu bài học nhé!
Mệnh đề (Clause) là gì?
Mệnh đề (Clause) là một nhóm các từ bao gồm chủ ngữ (subject) và vị ngữ (predicate) có quan hệ mật thiết với nhau. Mục đích của mệnh đề là để truyền tải thông tin về một trạng thái hoặc một hành động nào đó.
Chủ ngữ của mệnh đề có thể là danh từ (noun)/cụm danh từ (noun phrase) hoặc đại từ (pronoun).
Vị ngữ của mệnh đề là động từ (verb) hoặc cụm động từ (verb phrase).
Đôi khi theo sau động từ/cụm động từ có thể là tân ngữ (object), bổ ngữ (complement), trạng ngữ (adverb).
Ví dụ.
I ate. (Tôi đã ăn.)
→ Chủ ngữ của mệnh đề là đại từ “I”, động từ là “ate”.
Her brother is playing video games. (Em trai cô ấy đang chơi trò chơi điện tử.)
→ Chủ ngữ của mệnh đề là cụm danh từ “her brother”, động từ là “is playing”, sau động từ là tân ngữ “video games”.
Các loại mệnh đề trong tiếng Anh
Mệnh đề được chia thành hai loại chính: Mệnh đề độc lập (Independent clause) và Mệnh đề phụ thuộc (Dependent clause). Mệnh đề độc lập có thể tồn tại độc lập như một câu hoàn chỉnh, trong khi mệnh đề phụ thuộc cần một mệnh đề khác để hoàn thiện ý nghĩa. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về hai loại mệnh đề này nhé!
1. Mệnh đề độc lập (Independent clause)
Mệnh đề độc lập (Independent clause) hay còn được gọi là mệnh đề chính (Main clause) có thể tồn tại một mình và tạo nên một câu hoàn chỉnh.
Mệnh đề độc lập có cấu trúc bao gồm một chủ ngữ và một vị ngữ, có khả năng truyền đạt ý nghĩa hoàn chỉnh mà không cần sự hỗ trợ từ mệnh đề khác.
Ví dụ: She is studying for her exams. (Cô ấy đang học cho kỳ thi của mình.)
→ Đây là một mệnh đề độc lập vì nó có thể tồn tại một mình và tạo thành một câu hoàn chỉnh. Chủ ngữ của mệnh đề là “She”, động từ được chia ở thì hiện tại tiếp diễn là “is playing”.
Mệnh đề độc lập có thể đứng một mình để tạo thành câu đơn (Simple sentence) hoặc có thể kết hợp với nhau để tạo thành câu ghép (Compound sentence).
Để kết hợp các mệnh đề độc lập thành câu ghép, bạn có thể sử dụng dấu phẩy, chấm phẩy hoặc liên từ kết hợp (Coordinating conjunctions), bao gồm có: for (vì), and (và), nor (cũng không), but (nhưng), or (hoặc), yet (chưa), so (vì vậy).
Ví dụ.
She sings beautifully and she plays the guitar skillfully. (Cô ấy hát rất hay và chơi guitar điêu luyện.)
→ Đây là câu ghép được tạo bởi 2 mệnh đề độc lập và được kết nối bằng liên từ kết hợp “and”.
She loves painting; he enjoys playing the piano. (Cô ấy thích vẽ tranh; anh ấy thích chơi piano.)
→ Đây là câu ghép được tạo bởi 2 mệnh đề độc lập và được kết nối bằng dấu chấm phẩy.
2. Mệnh đề phụ thuộc (Dependent Clause)
Mệnh đề phụ thuộc (Dependent Clause hay Subordinate Clause) không thể tồn tại một mình mà phải kết hợp với một mệnh đề chính để tạo thành câu có ý nghĩa hoàn chỉnh.
Mệnh đề phụ thường chứa thông tin hỗ trợ, mô tả thêm, hoặc cung cấp điều kiện cho mệnh đề chính. Mệnh đề phụ thuộc, giống như mệnh đề độc lập, có cấu trúc bao gồm một chủ ngữ và vị ngữ.
Ví dụ.
If it rains, we will stay at home. (Nếu trời mưa, chúng tôi sẽ ở nhà.)
→ “If it rains” là mệnh đề phụ, cung cấp thông tin về điều kiện cho mệnh đề chính “we will stay at home”. Mệnh đề phụ nếu đứng một mình sẽ không có ý nghĩa nên cần phải kết hợp với mệnh đề chính để tạo thành câu hoàn chỉnh.
I will call you back when I finish my meeting. (Tôi sẽ gọi lại cho bạn khi tôi kết thúc cuộc họp.)
→ “when I finish my meeting” là mệnh đề phụ, cung cấp thông tin về thời gian cho mệnh đề chính “I will call you back”. Mệnh đề phụ nếu đứng một mình sẽ không có ý nghĩa nên cần phải kết hợp với mệnh đề chính để tạo thành câu hoàn chỉnh.
Câu mà được tạo thành bởi một mệnh đề chính và ít nhất một mệnh đề phụ thuộc được gọi là câu phức (Complex sentence). Bạn có thể kết hợp 2 loại mệnh đề này bằng các liên từ phụ thuộc (Subordinating conjunction) như although (mặc dù), despite (cho dù), unless (trừ khi), while (trong khi),… hoặc đại từ/trạng từ quan hệ (which, who, whom,…).
Ví dụ.
I went to the store because I needed to buy some groceries. (Tôi đến cửa hàng vì tôi cần mua một số đồ tạp hóa.)
→ Liên từ “because” kết nối mệnh đề chính “I went to the store” và mệnh đề phụ thuộc “I needed to buy some groceries”.
The girl who is wearing a red dress is my sister. (Cô gái đang mặc chiếc váy đỏ là em gái của tôi.)
→ Đại từ quan hệ “who” kết nối mệnh đề chính “The girl is my sister” và mệnh đề phụ (mệnh đề quan hệ) “who is wearing a red dress”.
Lưu ý: Bất cứ khi nào mệnh đề phụ thuộc đứng đầu câu phức thì nó phải được theo sau bởi dấu phẩy.
Ví dụ: When I grow up, I want to be a police. (Khi tôi lớn lên, tôi muốn trở thành một cảnh sát.)
Các dạng mệnh đề phụ trong tiếng Anh
Mệnh đề phụ trong tiếng Anhcó thể được phân loại thành ba loại chính dựa trên chức năng ngữ pháp của chúng trong câu: Mệnh đề danh từ, Mệnh đề tính từ và Mệnh đề trạng ngữ.
Hãy cùng tìm hiểu định nghĩa và cách sử dụng của những loại mệnh đề này nhé!
1. Mệnh đề danh từ (Noun clause)
Mệnh đề danh từ (Noun clause hoặc Nominal clause) là mệnh đề phụ thuộc có chức năng như một danh từ. Mệnh đề danh từ thường đóng vai trò như một chủ ngữ, một tân ngữ, hoặc một bổ ngữ trong câu. Mệnh đề danh từ thường được bắt đầu bằng các từ để hỏi như what, where, why, who, when, whose,....hoặc các liên từ như that, whether, if,...
Ví dụ.
What she said surprised everyone. (Những gì cô ấy nói làm bất ngờ mọi người.)
→ Mệnh đề danh từ “what she said” bắt đầu bằng từ để hỏi “what”, đóng vai trò là chủ ngữ của câu.
They are discussing whether to accept the offer. (Họ đang thảo luận xem có nên chấp nhận đề xuất hay không.)
→ Mệnh đề danh từ “whether to accept the offer” bắt đầu bằng liên từ “whether”, đóng vai trò là tân ngữ của động từ.
2. Mệnh đề tính từ (Adjective clauses)
Mệnh đề tính từ (Adjective clause) là mệnh đề phụ thuộc có chức năng như một tính từ, dùng bổ nghĩa cho danh từ đứng ngay trước nó. Ngoài ra, mệnh đề tính từ cũng có thể bổ nghĩa cho mệnh đề chính đứng trước. Mệnh đề tính từ cung cấp thêm thông tin về đặc điểm tính chất cho đối tượng.
Mệnh đề tính từ còn có tên gọi khác là Mệnh đề quan hệ (Relative clauses), vì vậy, mệnh đề này thường được bắt đầu bằng các đại từ và trạng từ quan hệ (relative pronouns/adverbs) bao gồm who, whom, which, that, whose, when, where, why.
Ví dụ.
The house that I bought is big and beautiful. (Ngôi nhà tôi mua rất to và đẹp.)
→ Mệnh đề tính từ “that I bought” bổ nghĩa cho cụm danh từ "the house".
Susan is doing that again, which irritates me. (Susan lại làm thế khiến tôi bực tức.)
→ Mệnh đề tính từ “which irritates me” bổ nghĩa cho mệnh đề chính “Susan is doing that again”.
3. Mệnh đề trạng ngữ (Adverb Clause)
Mệnh đề trạng ngữ (Adverb clause hay Adverbial clause) là mệnh đề phụ thuộc có chức năng như một trạng từ, dùng bổ nghĩa cho động từ, tính từ hoặc trạng từ trong câu. Mệnh đề trạng ngữ cung cấp thông tin về cách thức, thời gian, lý do, điều kiện, hay nơi chốn cho mệnh đề chính.
Có rất nhiều loại mệnh đề trạng ngữ khác nhau trong tiếng Anh, ví dụ như: Mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, chỉ kết quả, chỉ sự nhượng bộ…hay Mệnh đề điều kiện (Conditional clause).
Mệnh đề trạng ngữ thường được bắt đầu bằng các từ liên từ phụ thuộc như because, since, when, where, while, as, so, that,...
Ví dụ.
When I arrived, the party had already started. (Khi tôi đến, bữa tiệc đã bắt đầu.)
→ Mệnh đề trạng ngữ “when I arrived” cung cấp thông tin về thời gian cho mệnh đề chính.
If you work hard, you will succeed. (Nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thành công.)
→ Mệnh đề trạng ngữ “if you work hard” cung cấp thông tin về điều kiện cho mệnh đề chính.
Bài tập
Sau khi trải qua các lý thuyết cơ bản, hãy vận dụng vào bài tập về các loại mệnh đề trong tiếng anh được DOL Grammar tổng hợp có thể nắm vững cách sử dụng và xây dựng các mệnh đề phụ trong câu.
Phân loại các mệnh đề phụ dưới đây.
She bought a camera that can take high-quality photos.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
They played outside until the sun went down.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
I will help you if you ask for assistance.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
The reason why he resigned is still unclear.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
Who stole the cookies is a mystery we need to solve.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
The movie that you recommended was fantastic.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
She left because she had another appointment.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
She gave him whatever he asked for.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
Tell me what you want for your birthday.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
Although I bought this book many years ago, it is still in good condition.
Mệnh đề tính từ
Mệnh đề trạng ngữ
Mệnh đề danh từ
Tổng kết
Qua bài viết này, DOL Grammar đã cùng bạn khám phá từ định nghĩa, cách sử dụng của các loại mệnh đề (Clause) trong tiếng Anh. Các bài tập kèm theo cũng sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng và củng cố kiến thức đã học.
Chúc bạn may mắn và thành công trên hành trình chinh phục tiếng Anh của mình!
Bạn đã đọc hiểu toàn bộ bài lý thuyết trên chưa? Hãy đánh dấu đã đọc để lưu lại quá trình học nhé!