Tân ngữ là gì? Các loại và những hình thức tân ngữ trong tiếng Anh
Tân ngữ (Object) là một trong những thành phần không thể thiếu trong câu tiếng Anh, tân ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt ý nghĩa của câu và giúp câu văn trở nên dễ hiểu hơn. Tân ngữ thường là từ hoặc cụm từ mô tả người hoặc vật mà động từ tác động lên. Việc sử dụng tân ngữ cho phép người viết hoặc nói chỉ ra ai hoặc cái gì đang chịu tác động từ hành động của động từ.
Trong bài viết này, DOL Grammar sẽ giới thiệu đến các bạn những kiến thức tổng quát về tân ngữ trong tiếng Anh bao gồm định nghĩa, phân loại và những hình thức của tân ngữ trong tiếng Anh. Ngoài ra, bài viết còn cung cấp 1 số lưu ý về động từ và tân ngữ, cùng với một số bài tập đơn giản để bạn vận dụng kiến thức đã học trong bài. Hãy cùng bắt đầu bài học nhé!
Tân ngữ là gì?
Tân ngữ (Object viết tắt là O) là danh từ, cụm danh từ hoặc đại từ để chỉ đối tượng bị tác động bởi chủ ngữ (Subject).
Trong câu, Object thường đứng sau động từ chỉ hành động.
Ví dụ.
She read a book. (Cô ấy đã đọc một quyển sách.)
→ Trong câu này, cụm danh từ "a book" là tân ngữ của động từ "read".
I don’t like her. (Tôi không thích cô ấy.)
→ Trong câu này, đại từ “her” là tân ngữ của động từ “like”.
Các loại tân ngữ trong tiếng Anh
Dựa trên chức năng, tân ngữ có thể được chia ra thành 2 loại chính: Tân ngữ của động từ (Object of a Verb) và Tân ngữ của giới từ (Object of a Preposition).
1. Tân ngữ của động từ (Object of a Verb)
Tân ngữ của động từ (Object of a Verb) được chia thành 2 loại.
Tân ngữ trực tiếp (Direct Object)
Tân ngữ gián tiếp (Indirect Object)
Cùng tìm hiểu ý nghĩa của 2 loại tân ngữ của động từ này nhé!
Tân ngữ trực tiếp (Direct Object)
Tân ngữ trực tiếp là từ hoặc cụm từ để chỉ người hoặc vật bị tác động trực tiếp bởi hành động của chủ ngữ, vì vậy nó thường đứng ngay sau động từ trong câu.
Tân ngữ trực tiếp thường trả lời cho câu hỏi "What?" (Cái gì?) hoặc "Whom?" (Ai?).
Ví dụ: He sent a letter. (Anh ấy đã gửi một lá thư.)
→ Trong câu này, cụm danh từ "a letter" là tân ngữ trực tiếp chỉ vật bị tác động trực tiếp bởi hành động "sent" của chủ ngữ. Tân ngữ trực tiếp trong câu này trả lời cho câu hỏi: What did he send? (Anh ấy đã gửi cái gì?).
Tân ngữ gián tiếp (Indirect Object)
Tân ngữ gián tiếp là từ hoặc cụm từ để chỉ người hoặc vật là đối tượng nhận hoặc chịu tác động thông qua tân ngữ trực tiếp.
Tân ngữ gián tiếp thường trả lời cho câu hỏi "To whom?" (Tới ai?) hoặc "For whom?" (Dành cho ai?).
Một tân ngữ gián tiếp luôn cần một tân ngữ trực tiếp đi kèm và tân ngữ gián tiếp luôn đứng trước tân ngữ trực tiếp.
Ví dụ: He sent his mother a letter. (Anh ấy đã gửi một lá thư cho mẹ mình.)
→ Trong câu này, cụm danh từ “his mother” là tân ngữ gián tiếp chỉ người và chịu tác động gián tiếp thông qua tân ngữ trực tiếp là "a letter" (hành động “sent” tác động trực tiếp tới lá thư và thông qua lá thư đó thì mới tác động tới người mẹ). Tân ngữ gián tiếp trong câu này trả lời cho câu hỏi: For whom did he send a letter? (Anh ấy đã gửi lá thư cho ai?).
Lưu ý: Tân ngữ gián tiếp luôn đi kèm tân ngữ trực tiếp để câu được hoàn thiện về mặt ý nghĩa.
Ví dụ.
Đầy đủ thông tin: My mother told me the news. (Mẹ tôi đã bảo tôi tin tức.)
Thiếu thông tin: My mother told me. (Mẹ tôi đã bảo.)
→ Trong ví dụ này, nếu không sử dụng tân ngữ trực tiếp “the news” sẽ khiến ý nghĩa của câu chưa được hoàn chỉnh (người nghe/đọc không biết được người mẹ nói về điều gì hoặc thông điệp nào cô ấy muốn truyền đạt.)
Ngoài ra, bạn có thể diễn đạt câu có cả tân ngữ gián tiếp và trực tiếp tiếp bằng cách sử dụng: Cụm giới từ bắt đầu bằng “to”/“for” + đối tượng nhận hành động. Trong trường hợp này, tân ngữ trực tiếp đứng trước tân ngữ gián tiếp.
Ví dụ. My mother told me the news.
= My mother told the news to me.
(Mẹ tôi đã nói tin tức cho tôi.)
→ Trong ví dụ này, câu được diễn đạt bằng cách sử dụng cụm giới từ bắt đầu bằng “to” và theo sau là tân ngữ gián tiếp (người nhận hành động). Trong khi đó, tân ngữ trực tiếp được đẩy lên đứng ngay sau động từ.
Một số động từ thường sử dụng với cụm giới từ “to” và theo sau là tân ngữ gián tiếp bao gồm: bring (mang tới), lend (cho vay/mượn), owe (nợ), show (cho thấy), tell (nói), give (cho, đưa), offer (đề nghị), promise (hứa), teach (dạy), write (viết).
Một số động từ thường sử dụng với cụm giới từ “for” và theo sau là tân ngữ gián tiếp bao gồm: buy (mua), find (tìm), get (kiếm được), make (làm), order (đặt hàng/gọi đồ), save (tiết kiệm).
2. Tân ngữ của giới từ (Object of a Preposition)
Tân ngữ của giới từ là từ hoặc cụm từ đứng sau giới từ và là một phần của cụm giới từ (Prepositional Phrase).
Ví dụ.
My classmate lives near me. (Bạn cùng lớp của tôi sống gần tôi.)
→ Trong câu này, đại từ “me” là tân ngữ của giới từ “near”. Tân ngữ “me” cùng giới từ “near” kết hợp tạo thành cụm giới từ.
She is studying at school. (Cô ấy đang học ở trường.)
→ Trong câu này, danh từ “school” là tân ngữ của giới từ “at”. Tân ngữ “school” cùng giới từ “at” kết hợp tạo thành cụm giới từ.
Những hình thức của tân ngữ trong tiếng Anh
Tân ngữ trong câu có thể là 4 hình thức sau, bao gồm: Danh từ, Đại từ, Danh động từ, Động từ nguyên thể có to.
1. Danh từ
Một trong những hình thức phổ biến nhất của tân ngữ là danh từ (Noun) hoặc cụm danh từ (Noun phrase).
Ngoài ra, tân ngữ còn có thể là mệnh đề danh từ (Noun clause). Danh từ đóng vai trò là tân ngữ trực tiếp, tân ngữ gián tiếp của động từ hoặc tân ngữ của giới từ.
Ví dụ.
I gave Ethan a ride. (Tôi đã đưa Ethan đi nhờ.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là danh từ riêng “Ethan”.
He drank two cups of coffee this morning. (Anh ấy đã uống 2 cốc cà phê vào sáng nay.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là cụm danh từ “two cups of coffee”.
You should remember what your teacher said. (Bạn nên nhớ những gì giáo viên của bạn đã nói.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là mệnh đề danh từ “what your teacher said”.
2. Đại từ
Tân ngữ trong câu có thể là đại từ nhân xưng dạng tân ngữ (Object Personal Pronouns).
Dưới đây là các đại từ nhân xưng dạng tân ngữ được phân chia theo ngôi và số lượng. Đại từ nhân xưng đóng vai trò là tân ngữ trực tiếp hoặc tân ngữ gián tiếp trong câu.
Ngôi | Số lượng | Đại từ nhân xưng dạng tân ngữ |
Ngôi thứ nhất | Số ít | Me (Tôi) |
Số nhiều | Us (Chúng tôi) | |
Ngôi thứ hai | Số ít | You (Bạn) |
Số nhiều | You (Các bạn) | |
Ngôi thứ ba | Số ít | Him (Anh ấy) |
Her (Cô ấy) | ||
It (Nó) | ||
Số nhiều | Them (Họ) |
Ví dụ.
My mother called me yesterday. (Mẹ tôi đã gọi điện cho tôi ngày hôm qua.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là đại từ nhân xưng dạng tân ngữ “me”.
He gave her a present. (Anh ấy đã tặng cô ấy một món quà.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là đại từ nhân xưng dạng tân ngữ “her”.
3. Danh động từ (V-ing)
Tân ngữ trong câu có thể là danh động từ V-ing (Gerund).
Một số động từ thường sử dụng danh động từ (V-ing) với vai trò là tân ngữ: admit (thừa nhận), avoid (tránh), consider (xem xét, cân nhắc), deny (từ chối/phủ nhận), dislike (không thích), keep (tiếp tục), resist (cưỡng lại), suggest (gợi ý)...
Danh động từ đóng vai trò là tân ngữ trực tiếp hoặc tân ngữ gián tiếp trong câu.
Ví dụ.
He avoids going to crowded places. (Anh ấy tránh đi tới những nơi đông đúc.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là cụm danh động từ “going to crowded places”.
You should give climbing a try. (Bạn nên thử leo núi.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là danh động từ “climbing”.
2. Động từ nguyên thể có to (to-V)
Tân ngữ trong câu có thể là động từ nguyên thể có to (to-V).
Khi ở dạng này, to-V chỉ có thể đóng vai trò là tân ngữ trực tiếp. Một số động từ thường sử dụng to-V là tân ngữ trực tiếp: agree (đồng ý), ask (yêu cầu), choose (chọn lựa), decide (quyết định), fail (thất bại), intend (dự định), promise (hứa), refuse (từ chối), want (muốn),...
Ví dụ.
We decided to go to the beach this weekend. (Chúng tôi quyết định đi đến bãi biển cuối tuần này.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là cụm động từ nguyên thể có to “to go to the beach”.
She loves to sing in the choir. (Cô ấy thích hát trong dàn hợp xướng.)
→ Tân ngữ trong ví dụ này là động từ nguyên thể có to “to sing”.
Một số lưu ý về động từ và tân ngữ
Trong tiếng Anh, không phải tất cả các động từ đều cần tân ngữ để tạo thành một câu hoàn chỉnh. Dưới đây là một số quy tắc quan trọng bạn cần biết về động từ và tân ngữ.
Vị trí của tân ngữ trong các trường hợp cần dùng động từ
1. Ngoại động từ
Ngoại động từ (Transitive verbs) là những động từ đòi hỏi phải có tân ngữ nhận hành động để có thể truyền đạt đầy đủ ý nghĩa.
Nếu không có tân ngữ, nghĩa của câu có ngoại động từ sẽ không hoàn chỉnh. Ngay sau ngoại động từ có thể là tân ngữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ví dụ.
She bought a new car. (Cô ấy đã mua một chiếc xe mới.)
→ Động từ “buy” là ngoại động từ, theo sau là tân ngữ trực tiếp “a new car” (chịu tác động trực tiếp bởi hành động “buy”).
She bought me a new car. (Cô ấy đã mua cho tôi một chiếc xe mới.)
→ Động từ “buy” là ngoại động từ, theo sau là tân ngữ gián tiếp “me” (là đối tượng nhận kết quả của hành động “buy”) và sau đó là tân ngữ trực tiếp “a new car” (chịu tác động bởi hành động “buy”).
2. Cụm ngoại động từ
Cụm động từ ngoại tiếp (Transitive phrasal verb) cũng cần phải có tân ngữ đi kèm.
Cụm động từ được cấu tạo từ một động từ với một hoặc hai tiểu từ (particles). Các tiểu từ này có thể là trạng từ (adverb) hoặc giới từ (preposition).
Cụm động từ chứa giới từ (Phrasal prepositional verb) được cấu thành bởi một động từ, một tiểu từ (trạng từ/giới từ) và một giới từ. Loại cụm động từ này luôn luôn có tân ngữ đi ngay sau giới từ.
Ví dụ: I look forward to your reply. (Tôi mong chờ lời phản hồi của bạn.)
→ Tân ngữ đứng sau cụm động từ chứa giới từ “look forward to”.
Tân ngữ của cụm động từ có 2 vị trí: đứng ngay sau cụm động từ, hoặc đứng giữa động từ chính và tiểu từ.
Vị trí của tân ngữ được phân loại dựa trên khả năng tách rời của động từ chính và tiểu từ. Hãy cùng theo dõi bảng so sánh dưới đây!
| Cụm động từ tách rời | Cụm động từ không thể tách rời |
Vị trí của tân ngữ | động từ + tân ngữ + trạng ngữ | động từ + trạng ngữ/giới từ + tân ngữ |
Ví dụ | She turned the job offer down. (Cô ấy từ chối đề nghị công việc.) | They came across an old book in the attic. (Họ tình cờ tìm thấy một cuốn sách cũ ở gác nhà.) |
Lưu ý: Nếu tân ngữ là một đại từ nhân xưng (me, you, him, us...), đại từ đó luôn được đặt sau động từ và trước tiểu từ.
Ví dụ.
SAI: I will pick up you at the airport.
ĐÚNG: I will pick you up at the airport.
(Tôi sẽ đón bạn tại sân bay.)
Có một số cụm động từ chứa giới từ (Phrasal prepositional verb) có cả tân ngữ trực tiếp (Direct object) sau động từ cũng như cả tân ngữ của giới từ (Object of the preposition).
động từ + tân ngữ trực tiếp + giới từ + tân ngữ của giới từ
Bảng dưới đây sẽ đưa ra một số cụm động từ kèm ví dụ minh họa cụ thể.
Cụm động từ | Ý nghĩa | Ví dụ |
fix … up with | Sắp xếp cái gì | They fixed their neighbor up with a reliable babysitter. (Họ sắp xếp cho hàng xóm của mình có một người trông trẻ đáng tin cậy.) |
put … down to | Cho rằng … là nhờ vào… | He put his success down to hard work and determination. (Anh ấy cho rằng thành công của mình là nhờ vào sự làm việc chăm chỉ và quyết tâm.) |
put … up to | Thúc đẩy ai đó làm điều gì đó, thường là điều gì đó không tốt | They put me up to telling a lie to cover for them. (Họ đã thúc đẩy tôi nói dối để che giấu cho họ.) |
let … in on | Cho phép ai đó biết về điều gì đó | He let his brother in on the secret. (Anh ấy cho phép anh trai tham gia bí mật.) |
take … out on | Trút giận lên ai đó trong một tình huống nào đó mà họ không phải là nguyên nhân của vấn đề đó | She took her frustration out on her colleagues after a long day at work. (Cô ấy giải tỏa sự căng thẳng bằng cách làm phiền đồng nghiệp sau một ngày làm việc dài.) |
Các trường hợp không dùng tân ngữ
Có 3 trường hợp không cần dùng tân ngữ như sau.
Nội động từ không cần tân ngữ
Nội Động Từ (Intransitive Verbs) là loại động từ không cần có tân ngữ để hoàn thành ý nghĩa của nó. Thay vào đó, chúng có thể đi kèm với một trạng từ hoặc cụm từ trạng từ để hoàn chỉnh ý nghĩa của chúng.
Ví dụ.
Đúng: She slept peacefully.
Sai: She slept peace.
(Cô ngủ yên bình.)
→ Động từ "slept" là một nội động từ, diễn tả trạng thái hoặc hành động của chính bản thân chủ thể nên không cần một tân ngữ cụ thể. Theo sau động từ “sleep” là một trạng từ dùng để bổ nghĩa về cách thức của hành động.
Động từ nối (Linking verb) không dùng tân ngữ
Động từ nối có vai trò liên kết chủ ngữ và vị ngữ trong câu. Động từ nối không diễn tả hành động của chủ ngữ mà chỉ nối chủ ngữ với bổ ngữ để chỉ tình trạng của sự vật, sự việc và con người. Vì vậy, sau động từ nối không dùng tân ngữ, mà bạn cần sử dụng bổ ngữ (danh từ, tính từ, cụm giới từ).
Ví dụ: She is a really dutiful daughter. (Cô ấy thực sự là một người con gái hiếu thảo.)
→ Trong ví dụ này, cụm danh từ “a really dutiful daughter” không phải là tân ngữ trực tiếp, mà là bổ ngữ để chỉ đặc điểm của đối tượng.
Một số cụm động từ (Phrasal verb) không cần dùng tân ngữ
Bảng dưới đây tổng hợp lại một số cụm động từ không cần dùng tân ngữ kèm ví dụ minh họa.
Cụm động từ | Ý nghĩa | Ví dụ |
Break down | Hỏng | My car broke down on the way to work this morning. (Xe của tôi hỏng đường đang đến công việc sáng nay.) |
Get back | Quay trở lại | After spending a week at the beach, they needed to get back. (Sau một tuần ở bãi biển, họ cần quay trở lại.) |
Move in/out | Chuyển vào/ra nơi nào đó | He has to move out because he is 18 years old. (Anh ấy phải chuyển ra khỏi nhà vì đã đủ 18 tuổi.) |
Go off | Bắt đầu kêu (đồng hồ báo thức, còi xe,…) hoặc nổ (vụ nổ, súng) | The alarm clock went off at 6 AM. (Đồng hồ báo thức kêu vào lúc 6 giờ sáng.) |
Hỏng hoặc không còn hiệu quả như mong đợi (về thực phẩm hoặc thuốc) | The milk has gone off, it smells terrible. (Sữa hỏng rồi, mùi của nó thật khủng khiếp.) | |
Rời khỏi một nơi và đi nơi khác | She's gone off on holiday with Mary. (Cô ấy đã đi nghỉ cùng Mary.) | |
Tắt (đèn, máy móc, thiết bị điện tử,...) hoặc ngưng hoạt động | The lights went off during the storm. (Đèn tắt khi bão đổ xuống.) | |
Run away | Bỏ đi một cách đột ngột hoặc bất ngờ | The dog ran away when the fireworks started. (Con chó đã bỏ đi khi pháo bắn bắt đầu.) |
Drop off | Giảm dần về số lượng, mức độ, hoặc cường độ | The attendance at the meeting dropped off after lunch. (Số lượng người tham dự cuộc họp giảm đi sau bữa trưa.) |
Ngủ gục, ngủ một cách bất ngờ hoặc không định trước | I dropped off during the boring lecture. (Tôi ngủ gục trong bài giảng nhạt nhẽo.) | |
Hang on | Đợi chờ một khoảng thời gian ngắn | Mr. T's on the other phone - would you like to hang on? (Ông T đang nói chuyện bên kia - bạn có muốn chờ máy không?) |
Set off | Bắt đầu chuyến đi | What time are we going to set off tomorrow? (Mai mấy giờ chúng ta khởi hành?) |
Eat out | Ăn ở ngoài | Let's eat out tonight and try that new restaurant downtown. (Hãy đi ăn ngoại ô tối nay và thử nhà hàng mới ở trung tâm thành phố.) |
Wake up | Thức dậy | I usually wake up at 7 a.m. on weekdays. (Tôi thường thức dậy vào lúc 7 giờ sáng vào các ngày trong tuần.) |
Bài tập
Sau khi đã hiểu về lý thuyết tân ngữ, hãy cùng DOL thực hành cách sử dụng qua những bài tập dưới đây.
Bài 1: Những từ/cụm từ in đậm dưới đây là tân ngữ gì?
They watched a movie last night.
They swam across the river.
My mother cooked us breakfast.
My brother owed me some money.
He jumped over the fence.
We planted flowers in the garden.
He bought a gift for her.
They discussed whether to go on vacation.
The teacher gave a lot of assignments to my sister.
She always refuses to go out with me.
Bài 2: Các câu sau đây có sử dụng tân ngữ không?
The weather became cold suddenly.
They sent him a birthday card.
She is a doctor.
He seems to be tired.
She agreed to buy a new dress.
Bài 3: Tìm tân ngữ trực tiếp và gián tiếp trong những câu sau
1. She wrote us a letter.
→ Tân ngữ trực tiếp:
→ Tân ngữ gián tiếp:
2. The teacher assigned homework to the students.
→ Tân ngữ trực tiếp:
→ Tân ngữ gián tiếp:
3. Come in and take your shoes off.
→ Tân ngữ:
4. He cooked dinner for his family.
→ Tân ngữ trực tiếp:
→ Tân ngữ gián tiếp:
5. She loaned me some money.
→ Tân ngữ trực tiếp:
→ Tân ngữ gián tiếp:
Tổng kết
Qua bài viết này, DOL đã cùng bạn khám phá từ định nghĩa, phân loại, hình thức tới một số lưu ý về tân ngữ. Tân ngữ là một trong những thành phần quan trọng cấu thành nên câu, vì vậy bạn nên nắm vững và luyện tập điểm ngữ pháp này một cách chắc chắn nhất nha!
Bạn đã đọc hiểu toàn bộ bài lý thuyết trên chưa? Hãy đánh dấu đã đọc để lưu lại quá trình học nhé!